liên hệ với chúng tôi
Tìm kiếm tin tức
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 8.333.026
Truy cập hiện tại 5
DI CHÚC ĐỂ LẠI NHÀ, ĐẤT CHỈ Ở MÀ KHÔNG ĐƯỢC BÁN THÌ CÓ HỢP PHÁP KHÔNG?
Ngày cập nhật 25/03/2023

Hỏi: Tôi năm nay 70 tuổi, tôi có một miếng đất 200m² do tổ tiên để lại đã xây căn nhà 2 tầng. Tôi có 5 người con, giờ tôi muốn lập di chúc để lại cho người con út căn nhà và đất này, tuy nhiên các con tôi không được hòa thuận với nhau lắm.

Vì vậy, tôi muốn ghi trong nội dung di chúc là con út tôi sẽ chỉ được sử dụng nhà và đất để sinh sống, mà không được bán để các anh em còn có chỗ về thắp hương cho bố mẹ với cả đây cũng là đất do tổ tiên để lại nên không muốn con bán đi.

Di chúc của tôi như vậy có hợp pháp hay không, con tôi có được quyền bán mảnh đất này nếu tôi viết di chúc như vậy hay không?

 

Trả lời: Theo thông tin mà bạn cung cấp và căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi tư vấn như sau:

Trường hợp thứ nhất: Di sản mà bạn để lại được coi là di sản dùng vào việc thờ cúng.

Theo khoản 1 Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015 quy định di sản dùng vào việc thờ cúng như sau:

“1. Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.

…”

Như vậy, nếu trong di chúc bạn đã nêu rõ thửa đất đó sẽ được dùng vào việc thờ cúng thì những người thừa kế của bạn không được chia thừa kế đối với di sản đó, con bạn không được quyền chuyển nhượng thửa đất đó.

Trường hợp thứ hai: Di chúc của bạn không nêu rõ sẽ sử dụng thửa đất đó vào việc thờ cúng mà chỉ có nguyện vọng con bạn sẽ giữ lại mảnh đất của gia đình, không chuyển nhượng cho người khác. Nếu đúng theo ý nguyện của bạn theo di chúc thì con bạn không được quyền chuyển nhượng thửa đất đó. Tuy nhiên, trên thực tế thì không có cơ chế nào để kiểm soát việc người thừa kế có thực hiện theo đúng ý nguyện của người lập di chúc hay không. Vì, sau khi bạn mất, con út bạn có quyền làm thủ tục sang tên theo quy định của pháp luật. Sau khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, con bạn có toàn quyền của chủ sử dụng đất theo quy định của pháp luật, trong đó có quyền chuyển nhượng thửa đất.

Vậy bạn có thể xem xét kỹ lại để để lại di chúc xác định rõ hơn quyền và nghĩa vụ của người được hưởng di sản theo di chúc đối với thửa đất nêu trên.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Văn phòng luật sư Huế (HUELAW)

 

Bài viết khác
Xem tin theo ngày  
Đối tác
TRT HuếVTV8Báo tuổi trẻBáo pháp luậtBáo Thừa Thiên HuếĐH Luật HuếĐH Kinh tế HuếCông ty DigitechXe buýt Hoàng ĐứcKhách sạn Hoàng CungKhách sạn GoldKhách sạn RomanceCông ty du lịch Hương GiangCông ty du lịch Thanh TâmĐất xanh miền TrungCông ty cổ phần du lịch Huế - Nhà hàng nổi sông Hương