liên hệ với chúng tôi
Tìm kiếm tin tức
Đặt câu hỏi
Hỏi:
Năm 2016, tôi ký hợp đồng lao động với công ty TNHH Phương Long (sau này đổi tên thành công ty TNHH Sanh Long) với mức lương theo mức lương tối thiểu vùng 2. Đến tháng 9/2020, tôi làm đơn xin nghỉ việc và được sự chấp nhận của phía công ty. Khi làm thủ tục chốt sổ bảo hiểm tại cơ quan BHXH thành phố thì tôi mới phát hiện ra công ty đã không đóng bảo hiểm cho tôi từ tháng 7/2019 cho đến nay.
Tôi muốn hỏi luật sư: Trong trường hợp này tôi có chốt sổ bảo hiểm được không? Tôi phải làm gì để bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho mình? Trình tự thủ tục giải quyết như thế nào? Tôi xin chân thành cảm ơn.
Người gửi: Nguyễn Văn A - Tp Huế (Ngày gửi: 28/09/2020)
Đáp:

Sau khi nghiên cứu thông tin do bạn cung cấp, căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành và chúng tôi có ý kiến tư vấn như sau:

Theo quy định tại Điểm 1.2 Khoản 72 Điều 1 của Quyết định số 505/QĐ-BHXH năm 2020 thì trường hợp doanh nghiệp nợ tiền BHXH nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động thì doanh nghiệp có trách nhiệm:

- Đóng đủ BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp giải quyết các chế độ BHXH, BHTN cho người lao động;

- Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH.

Như vậy, bạn vẫn có thể chốt được sổ bảo hiểm khi doanh nghiệp nợ tiền đóng BHXH. Tuy nhiên, thực tế có trường hợp doanh nghiệp cố tình không đóng đủ số tiền BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN dẫn đến ảnh hưởng đến việc xác nhận thời gian tham gia bảo hiểm của người lao động.

Do đó, để đảm bảo quyền lợi thì bạn có thể chọn một trong hai hình thức giải quyết dưới đây:

1/ Khiếu nại

1.1. Khiếu nại tới Ban Giám đốc công ty, tổ chức công đoàn công ty.

- Đây là những người có thẩm quyền xem xét, giải quyết và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho chính người lao động. Trong vòng 180 ngày, kể từ ngày biết được công ty không đóng BHXH bắt buộc cho mình, người lao động có quyền yêu cầu người có thẩm quyền khiếu nại lần đầu cho mình để xem xét lại hành vi không nộp tiền BHXH bắt buộc cho người lao động.

- Căn cứ pháp lý: Khoản 1 Điều 7, Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 24/2018/NĐ-CP ngày 27/2/2018 quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lao động, giáo dục, nghề nghiệp, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, việc làm, an toàn, vệ sinh lao động.

Điều 7. Thời hiệu khiếu nại

1. Thời hiệu khiếu nại lần đầu là 180 ngày, kể từ ngày người khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi của người sử dụng lao động, của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, của doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, của tổ chức dịch vụ việc làm, tổ chức có liên quan đến hoạt động tạo việc làm cho người lao động, tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bị khiếu nại.”

Điều 15. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại về lao động, an toàn, vệ sinh lao động

1. Người sử dụng lao động có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định, hành vi về lao động, an toàn vệ sinh lao động của mình bị khiếu nại.”

1.2. Khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội

- Trong vòng 30 ngày, kể từ ngày yêu cầu giải quyết, nếu công ty vẫn không đóng hoặc người lao động không đồng ý với quyết định giải quyết của công ty thì người lao động có quyền khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở lao động Thương binh và Xã hội – nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

- Căn cứ pháp lý: Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 24/2018/NĐ-CP ngày 27/2/2018.

“2. Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với khiếu nại về lao động, an toàn, vệ sinh lao động khi người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu theo quy định tại Điều 23 hoặc đã hết thời hạn quy định tại Điều 20 Nghị định này mà khiếu nại không được giải quyết.”

- Trên cơ sở khiếu nại, bên Thanh tra lao động sẽ tiến hành kiểm tra và xử phạt doanh nghiệp về hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 5 và khoản 4 Điều 38 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, với mức phạt cụ thể như sau:

+ Phạt tiền từ 24% đến 30% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 150.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động.

+ Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp phải đóng đối với hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

+ Buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm.

2/ Khởi kiện tại Tòa án nhân dân

- Người lao động khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp Huyện, nơi công ty đóng trụ sở để yêu cầu giải quyết các quyền lợi trong thời gian làm việc mà không được đóng bảo hiểm.

- Căn cứ pháp lý: Khoản 2 Điều 119 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Điểm d, khoản 1 Điều 32, điểm c, khoản 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

Điều 119. Trình tự giải quyết khiếu nại về bảo hiểm xã hội

2. Việc giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi về bảo hiểm xã hội không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì người khiếu nại có quyền lựa chọn một trong hai hình thức sau đây:

b) Khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.”

 

“Điều 32. Những tranh chấp về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

1. Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động mà hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, hòa giải không thành hoặc không hòa giải trong thời hạn do pháp luật quy định, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;”

 

 “Điều 35. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện

1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:

c) Tranh chấp về lao động quy định tại Điều 32 của Bộ luật này.

Đối chiếu quy định trên, bạn có thể khởi kiện để yêu cầu Tòa án cấp huyện (nơi công ty đặt trụ sở) tuyên buộc Công ty phải đóng tiền BHXH bắt buộc và lãi suất chậm đóng cho bạn trong thời gian từ 7/2019 đến 1/9/2020.

Căn cứ để yêu cầu Công ty phải nộp tiền lãi suất chậm đóng tiền bảo hiểm: Khoản 3 Điều 18 Nghị định số 115/2015/NĐ- CP ngày 11/11/2015.

“ 3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định đối với người lao động đủ điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để kịp thời giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.”

Bộ phận tư vấn pháp luật – Văn phòng luật sư Huế (Huelaw).

 

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 8.117.422
Truy cập hiện tại 7
Đối tác
TRT HuếVTV8Báo tuổi trẻBáo pháp luậtBáo Thừa Thiên HuếĐH Luật HuếĐH Kinh tế HuếCông ty DigitechXe buýt Hoàng ĐứcKhách sạn Hoàng CungKhách sạn GoldKhách sạn RomanceCông ty du lịch Hương GiangCông ty du lịch Thanh TâmĐất xanh miền TrungCông ty cổ phần du lịch Huế - Nhà hàng nổi sông Hương